Để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm thì chủ xe, lái xe có trách nhiệm gì khi tham gia bảo hiểm bắt buộc TNDS Chủ xe cơ giới? Trường hợp Cơ quan Công an, chính quyền địa phương không có mặt tại nơi xảy ra tai nạn thì giải quyết như thế nào?
Trả lời:
- Bao gồm các trách nhiệm sau:
1. Khi yêu cầu bảo hiểm, chủ xe cơ giới phải thông báo đầy đủ và trung thực những nội dung đã được quy định trong Giấy chứng nhận bảo hiểm;
2. Khi tai nạn giao thông xảy ra, chủ xe cơ giới và/hoặc lái xe cơ giới phải có trách nhiệm:
2.1. Tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn, đồng thời báo ngay cho DNBH để phối hợp giải quyết và thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất;
2.2. Trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ khi có lý do chính đáng), chủ xe cơ giới phải gửi cho DNBH thông báo tai nạn theo quy định
2.3. Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của DNBH, trừ trường hợp làm như vậy là cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
2.4. Bảo lưu quyền khiếu nại và chuyển quyền đòi bồi thường cho DNBH trong phạm vi số tiền mà DNBH đã bồi thường kèm theo toàn bộ chứng từ cần thiết có liên quan.
3. Chủ xe cơ giới và/hoặc lái xe cơ giới phải trung thực trong việc thu thập và cung cấp các tài liệu, chứng từ trong hồ sơ yêu cầu bồi thường và tạo điều kiện thuận lợi cho DNBH trong quá trình xác minh các tài liệu, chứng từ đó.
4. Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng xe, chủ xe cơ giới phải thông báo ngay cho DNBH biết để điều chỉnh phí bảo hiểm cho phù hợp.Chủ xe cơ giới và/hoặc lái xe cơ giới không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm quy định trên thì DNBH có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi thường tương ứng với thiệt hại do lỗi của chủ xe cơ giới và/ hoặc lái xe cơ giới gây ra
- Trường hợp Cơ quan Công an, chính quyền địa phương không có mặt tại nơi xảy ra tai nạn thì DNBH cùng với chủ xe hoặc lái xe tiến hành giám định hiện trường, giám định tổn thất, thiệt hại hoặc mời cơ quan giám định độc lập để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại, kết hợp lấy lời khai nhân chứng để lập hồ sơ giải quyết bồi thường.