Dự phòng trong bảo hiểm nhân thọ được hiểu như thế nào? có những loại dự phòng nào?
Trả lời:
Trong bảo hiểm nhân thọ, công ty bảo hiểm là con nợ của những người được bảo hiểm tại mọi thời điểm trước khi kết thúc hợp đồng. Do đó, công ty bảo hiểm bắt buộc phải lập ra 1 quỹ dự trữ để đảm bảo cho việc thực hiện các cam kết của mình, quỹ dự trữ này còn được gọi là quỹ dự phòng. Có thể thấy được tính cần thiết của việc lập dự phòng qua những phân tích sau:
+ Trong bảo hiểm tử vong: Rủi ro tăng lên theo độ tuổi, nhưng vì lý do thương mại, công ty bảo hiểm thu phí bình quân (bằng nhau giữa các lần đóng phí). Rõ ràng là trong những năm đầu của hợp đồng thì phí bình quân cao hơn phí tự nhiên tạo ra một số dư nhất định nhưng những năm cuối của hợp đồng thì ngược lại.
Vì vậy, số dư trong những năm đầu của hợp đồng không được coi là lãi của doanh nghiệp bảo hiểm mà phải được doanh nghiệp sử dụng với mục đích tích lũy để bù đắp cho những thiếu hụt của nửa sau của hợp đồng.
+ Trong bảo hiểm cho trường hợp sống: công ty bảo hiểm phải đưa phần phí thuần (phí được tính chỉ dựa trên 2 giả định là tỷ lệ tử vong và lãi suất kỹ thuật) vào dự trữ để có thể thực hiện các cam kết của mình vào thời điểm đáo hạn hợp đồng.
Quỹ được thành lập bằng cách tích lũy phần phí thặng dư nhằm sử dụng trong tương lai được gọi là dự phòng phí bảo hiểm.
Trong bảo hiểm nhân thọ, có rất nhiều các quỹ dự phòng phải lập ra:
- Dự phòng toán học
- Dự phòng rủi ro
- Dự phòng tổn thất phải trả
- Dự phòng rủi ro tăng lên
- Dự phòng cam kết chia lãi
- Dự phòng giảm giá tài sản hiện có.
Trong đó, dự phòng toán học là cơ bản và quan trọng nhất. Nó gắn liền với việc tính toán phí bảo hiểm và thực hiện cam kết của công ty bảo hiểm.